ĐÂU LÀ CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA PHÁ VỠ CHU KỲ TÊ LIỆT-HỐI TIẾC TRONG ĐẦU TƯ?
Tiếp tục chuỗi kiến thức về giao dịch và đầu tư chứng khoán. Sau khi đã hiểu được về bản chất của diễn biến tâm lí “Do dự và Hối tiếc” trong mỗi chúng ta mỗi khi đưa ra 1 quyết định Mua/Bán/Chờ đợi. Hôm nay ta sẽ cùng đi sâu và tìm hiểu: làm thế nào để có thể tối thiểu hóa sự dao động về tâm lí trong quá trình đầu tư?
Đứng từ vị trí của 1 nhà giao dịch cổ phiếu theo xu hướng, việc xây dựng nền tảng vững chắc trong quá trình đầu tư chắc chắn sẽ giúp hiệu suất giao dịch của nhà đầu tư trở nên vượt trội. Nền tảng quan trọng nhất đối với mọi nhà đầu tư trên thị trường không phải là các mô hình trong PTKT hay những báo cáo phân tích trong PTCB, mà đó là: Một kế hoạch giao dịch chặt chẽ và chi tiết.
1) Những thành phần chính của 1 kế hoạch giao dịch? Thường gồm 4 phần:
– Điểm mua mới cổ phiếu, nhằm xác định yếu tố kích hoạt quyết định mua của dòng tiền thông minh trên thị trường?
– Khi xảy ra rủi ro, bạn sẽ xử lí thế nào?
– Phương pháp quản trị rủi ro, bảo vệ lợi nhuận và hạn chế lỗ của bạn hiện là như thế nào?
– Quy mô cho mỗi vị thế mua mới của bạn được xác định dựa trên yếu tố nào? Khi nào thì danh mục đầu tư của bạn cần được cơ cấu lại?
2) Vì sao cần phải xây dựng kế hoạch giao dịch?
– Giúp đưa ra những quy tắc nền tảng cho hoạt động giao dịch.
– Giúp trả lời những câu hỏi trong vòng xoáy tâm lí “Do dự”: Giao dịch cái gì? Khi nào thì có thể bắt đầu mua? Tại sao lại lựa chọn mua cổ phiếu đó?
– Cải thiện khả năng chiến thắng trong giao dịch vì kế hoạch giúp bạn: quản trị rủi ro, tối thiểu hóa thua lỗ và tối đa hóa lợi nhuận.
– Giúp bạn nhận thức được mấu chốt của nghệ thuật đầu tư: Hãy nghĩ đến việc hạn chế lỗ trước khi nghĩ đến lợi nhuận.
3) Kế hoạch giao dịch sẽ giúp bạn luôn chiến thắng “ngài” thị trường?
Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG!
Dù xây dựng 1 kế hoạch tốt trên bộ khung 4 thành chính như đã đề cập ở phần trên, chúng ta cũng ko thể nào mưu cầu 1 chiến thắng tuyệt đối. Không có kế hoạch nào là hoàn hảo cả! Kế hoạch giao dịch sẽ thay đổi để phù hợp với từng người: tính cách, phong cách đầu tư, số vốn đầu tư, khả năng tập trung và chịu áp lực,… Khi đầu tư theo kế hoạch với những kịch bản đã được dựng lên, chúng ta có lợi thế và khả năng chiến thẳng cao hơn là giao dịch 1 cách bữa bãi, mất tự chủ như những con thiêu thân lao mình trong vô định. Tuy nhiên hãy nhớ: Đến á thần Achilles còn có điểm yếu, thì những kế hoạch và phương án mà bạn xây dựng trong quá trình đầu tư cũng như vậy.
Chính vì vậy ngoài kế hoạch một kế hoạch giao dịch tổng quát, với vai trò như 1 bản chiến lược để chiến đấu trên thị trường trong khoảng thời gian dài hơi, ta vẫn cần thường xuyên xây dựng 1 loại kế hoạch khác để phòng ngừa rủi ro sự biến động ngắn hạn của Mr.Market nằm ngoài những phương án có sẵn trong kế hoạch tổng quát.
4) Kế hoạch ứng phó tức thời:
Kế hoạch được xây dựng để xử lí rủi ro khi diễn biến giá cổ phiếu đi ngược lại với dự đoán của chúng ta. Khác với kế hoạch giao dịch tổng quát, việc ứng phó khi đối mặt với rủi ro đòi hỏi quá trình cập nhật liên tục, vì các rủi ro trên thị trường luôn biến đổi và tác động không giống nhau đối với mỗi nhà đầu tư. Một kế hoạch thể hiện sự chu đáo và chỉn chu của bạn, giúp bạn ra quyết định trước mọi tình huống bất ngờ có thể phát sinh một cách nhanh và chính xác.
Kế hoạch ứng phó tức thời bao gồm 4 yếu tố chính:
– Mức dừng lỗ ban đầu.
– Tiêu chí mở lại vị thế mới.
– Bán khi có lãi.
– Kế hoạch đối phó với thảm họa.
Thứ tự ưu tiên theo tầm quan trọng:
(1) Giới hạn khoản lỗ: xác định mức chịu đựng lỗ của mình trước mỗi lệnh giao dịch trong trường hợp bạn sai. Khi giá chạm mức dừng lỗ đã xác định, hãy cắt lỗ mà không một chút do dự.
(2) Bảo vệ vốn gốc ban đầu: Hãy nâng lệnh mức stoploss lên hòa vốn khi cổ phiếu của bạn bắt đầu tăng giá và tạo ra lợi nhuận.
(3) Bảo vệ lợi nhuận: Khi lợi nhuận trong 1 lệnh bắt đầu vượt mức kì vọng bạn đặt ra ban đầu, sử dụng mức dừng lỗ động để bảo vệ cũng như tối ưu hóa khoản lợi nhuận của bạn.
5) Một ý tưởng cho việc thiết kế kế hoạch giao dịch:
Những công cụ như PTCB hay PTKT đều nhằm mục đích là đưa ra đánh giá khách quan về triển vọng cổ phiếu, tâm lý thị trường và xu hướng dòng tiền, từ đó ta giúp lên kế hoạch giao dịch và tuân thủ nó. Dù bạn theo trường phái đầu tư nào, sử dụng công cụ nào để phân tích, sau cùng bạn cũng cần kết hợp chúng lại để xây dựng một kế hoạch giao dịch cho bản thân mình. Đừng bước vào thị trường mà không có kế hoạch nào, điều đó tương tự bạn đang bịt mắt qua đoạn đường đông đúc và “hi vọng” mình không bị đâm!!!
Tôi là một nhà đầu giao dịch theo xu hướng, với 2 phương pháp giao dịch chủ đạo là VSA và SEPA. Vì lí do đó, mỗi khi mua cổ phiếu, tôi kỳ vọng nó sẽ tăng giá nhanh sau khi mua. Kế hoạch giao dịch của tôi bắt đầu từ việc lựa chọn điểm mua: Dựa trên các mẫu hình và tín hiệu của phương pháp giao dịch tôi lựa chọn, ví dụ: khi tôi thấy hành động giá của cổ phiếu thỏa mãn theo mẫu hình VCP (thường dẫn tới sự tăng giá nhanh), tôi sẽ mua vào.
Từ điểm mua đó, thiết lập mức dừng lỗ 5% cho mỗi giao dịch, bởi vì với các cổ phiếu thỏa mãn điểm mua của VCP, vị thế của bạn sẽ không bị lửng lơ quá xa các vùng hỗ trợ để tiến hành cắt lỗ khi cần thiết. Tiếp tục theo dõi, nếu cổ phiếu break khỏi mẫu hình và đi lên đó là 1 tín hiệu tích cực và đúng theo kế hoạch tôi xâu dựng. Tôi sẽ giữ nguyên mức dừng lỗ 5% cho tới khi nào lợi nhuận của cổ phiếu đạt 10% (mục tiêu R:R trong giao dịch của tôi thường là 2:1), tôi sẽ thực hiện chốt lời 1 phần và dời lệnh dừng lỗ về điểm hòa vốn. Phần cổ phiếu còn lại, tiếp tục theo dõi, sử dụng lệnh dừng lỗ động để nâng stoploss khi lãi cổ phiếu tiếp tục tăng lên, điều này giúp tôi tối đa hóa lợi nhuận trong 1 lệnh giao dịch mà vẫn không phải chịu rủi ro lớn khi giá cổ phiếu bất ngờ quay đầu giảm.

Tạm kết:

Bài viết trên đây dựa trên kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, không tránh khỏi những thiếu xót. Chúc tất cả các bạn sẽ xây dựng được 1 kế hoạch và phương pháp đầu tư tốt cho bản thân mình để có thể giao dịch thành công trên thị trường chứng khoán, nơi nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những cạm bẫy.
Nguồn : Khánh Xuân Bùi – VWA

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here